Ứng dụng E-Learning vào dạy học

E- learning là gì? Có ưu điểm và hiệu quả thế nào đối với đào tạo?

1.Khái niệm e- learning:

- E-Learning (còn gọi là Đào tạo điện tử, Giáo dục điện tử) là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông.
E-Learning có các đặc điểm nổi bật sau:
- Dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Cụ thể hơn là công nghệ mạng, kĩ thuật đồ họa, kĩ thuật mô phỏng, công nghệ tính toán… 
- Hiệu quả của e-Learning cao hơn so với cách học truyền thống do e-Learning có tính tương tác cao dựa trên multimedia, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp với khả năng và sở thích của từng người.
- E-Learning đang trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế tri thức. Hiện nay, e-Learning đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nước trên thế giới với rất nhiều tổ chức, công ty hoạt động trong lĩnh vực e-Learning ra đời.

2. E-learning có những ưu điểm gì mà thu hút sự quan tâm của nhiều người như vậy?

-      E-learning làm biến đổi cách học cũng như vai trò của người học viên. Người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo, có thể học mọi lúc, mọi nơi, miễn rằng nơi đó có phương tiện trợ giúp việc học.

-      Người học có thể học theo thời gian biểu cá nhân, với nhịp độ tuỳ theo khả năng và có thể chọn các nội dung học, do đó nó sẽ mở rộng đối tượng đào tạo rất nhiều. Tuy không thể hoàn toàn thay thế được phương thức đào tạo truyền thống, E-learning cho phép giải quyết định một vấn đề nan giải trong lĩnh vực giáo dục thế giới: đó là nhu cầu đào tạo của người lao động và sinh viên tăng lên quá tải so với khả năng của các cơ sở đào tạo.

-      E-learning sẽ có sức lôi cuốn rất nhiều người học kể cả những người trước đây chưa bao giờ bị hấp dẫn bởi lối giáo dục kiểu cũ và nó rất phù hợp với hoàn cảnh của những người đang đi làm nhưng vẫn muốn nâng cao trình độ.

-      Các chương trình đào tạo từ xa trên thế giới hiện nay đã đạt đến trình độ phong phú về giao diện, sử dụng rất nhiều hiệu ứng đa phương tiện như âm thanh, hình ảnh, hình ảnh động ba chiều, kỹ xảo hoạt hình,… có độ tương tác cao giữa người sử dụng và chương trình, đàm thoại trực tiếp qua mạng. Điều này đem đến cho học viên sự thú vị, say mê trong quá trình tiếp thu kiến thức cũng như hiệu quả trong học tập.

-      E-learning cho phép học viên làm chủ hoàn toàn quá trình học của bản thân, từ thời gian, lượng kiến thức cần học cũng như thứ tự học các bài, đặc biệt là cho phép tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, tự do trao đổi mới những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể hoặc đòi hỏi chi phí quá cao.


3. Với nhiều ưu điểm như vậy E-learning sẽ dần thay thế dạy học truyền thống?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào thực tế Việt Nam hiện nay

  1. Cơ sở vật chất  (thiết bị dạy học, đường truyền, công cụ hổ trợ…) các trường học Việt Nam còn  nghèo nàn. Ngay cả trường Đại Học Công Nghệ Thông Tin nơi đã thử nghiệm và áp dụng mô hình này gần 10 năm cơ sở vật chất vẫn chưa đầy đủ…
  2. Học sinh Việt Nam chưa có thói quen tự học và làm việc theo nhóm, chưa có tính độc lập, còn phụ thuộc nhiều vào giáo viên, chưa tự giác trong học tập…
  3. Khả năng áp dụng Công Nghệ Thông Tin vào giảng dạy của đa số các giáo viên ở tất cả các bậc học còn hạn chế mặc dù Bộ Giáo Dục và đào tạo cũng đã có nhiều dự án và công cụ hỗ trợ cho giáo viên soạn giảng
  4. Để tổ chức một lớp học bằng e-learning đòi hỏi giáo viên tốn nhiều thời gian và công sức hơn cách dạy học truyền thống, mà hiện nay giáo viên Việt Nam đồng lương không đủ sống, phải dạy thêm rất nhiều nên không có thời gian  đầu tư cho giảng dạy….

Vì vậy, theo tôi thì hiện nay và trong tương lai gần E-learning sẽ có nhiều cải thiện hơn về giao diện, chức năng. Khả năng cộng tác cao, đường truyền có thể cũng được cải thiện tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ cho quá trình dạy – học nhưng khó có thể thay thế hoàn toàn phương pháp giảng dạy truyền thống bởi:

Có thể nói rõ hơn cách học truyền thống là gì? Face-to-face? Hay là distance learning? Hay là online? Hay là gì khác nữa…bởi có rất nhiêu cách học truyền thống? Theo cách trình bày dưới đây thì học truyền thống là dạng face-to-face?

Cách học truyền thống vẫn sẽ phải là phương thức chủ yếu và phổ biến bởi nó phù hợp với tất cả các người học và gắn liền với thói quen mỗi người từ khi còn nhỏ, nên với cách học truyền thống người học cảm thấy an toàn hơn khi được nghe giảng trực tiếp, được giải quyết vấn đề trực tiếp với giáo viên. Nó còn phù hợp với nhiều dạng học viên khác nhau, đối với những học viên không tự giác, không có thói quen tự làm việc hay chủ động làm việc thì cách học truyền thống ít nhiều cũng có tác động đến họ khi họ được học trực tiếp với giáo viên trên lớp. Đối với giáo viên cũng có thể quan sát được thái độ học tập và khả năng học tập của mỗi học viên thông qua tiếp xúc trực tiếp.

Còn đối với mô hình đào tạo trực tuyến không phải phù hợp với tất cả mọi người, nó chỉ phù hợp với những người học trưởng thành, thực sự có nhu cầu và tự giác học.

Đối với mỗi bài học,  không phải bất kỳ nội dung học nào cũng dễ dàng chuyển đổi sang E-learning. Có rất nhiều môn học, ngành học mà nội dung có tính thực hành cao, tính thực tế cao thì khó có thể dùng E-learning để giảng dạy được, ví dụ: các ngành liên quan đến chế tạo, y khoa, múa, nhạc, hội hoạ….nhưng đối với những môn học mang tính  kỹ năng và quy trình, thay đổi nhanh, yêu cầu cập nhật kịp thời sẽ là những nội dung thích hợp của E-learning.

Vậy, E-Learning trong thời gian tới không thể thay thế hoàn toàn được cách học truyền thống mặc dù nó có rất nhiều ưu điểm và đang được phát triển rất mạnh kèm theo sự phát triển về công nghệ có liên quan để cải thiện được các khó khăn liên quan đến việc đào tạo trực tuyến.

Hy vọng trong tương lai xa, khi Việt Nam hội nhập với thế giới, tư tưởng của người học thay đổi, người học có tinh thần tích cực, tự lực, tự giác trong việc học, đời sống giáo viên được cải thiện, cơ sở vật chất dạy học e-learning được nâng cao đảm bảo đủ điều kiện để học sinh và sinh viên tham gia học tập thì dạy học e-learning có thể sẽ thay thế hoàn toàn một số môn học, học phần có tính cách trừu tượng như toán, văn, sử, công nghệ thông tin….

4. Kết hợp E-learning và cách  dạy học truyền thống như thế nào?

Với mỗi cách học, phương pháp dạy học đều có những ưu – nhược điểm khác nhau. Với những ưu điểm của cách dạy học truyền thống và E-learning, chúng ta cần kết hợp tốt hai phương pháp này để có được một hiệu quả đào tạo tốt hơn.

Như vậy, chúng ta phải kết hợp cả hai cách học tập: e-Learning và truyền thống để đem lại hiệu quả cao nhất cho học viên. Giải pháp kết hợp này được gọi là BLENDED SOLUTION.


Mô hình kết hợp

  1. Vai trò người giáo viên: Trong dạy học e-learning cũng như truyền thống, vai trò của người giáo viên là thiết yếu. Người giáo viên có thể xuất hiện dưới dạng ảo hay thực tùy nội dung cần giảng dạy..
  2. Tổ chức những buổi hội thảo, thảo luận qua mạng hoặc trực tiếp tại lớp dưới sự chủ trì của giáo viên (như môn phương pháp dạy học và e-learning chúng ta đang học)
  3. Tạo một Room trên mạng để giáo viên và tất cả các học viên có thể tương tác trực tiếp (chat, voice chat nhiều người)
  4. Trong dạy học tại lớp truyền thống nên kết hợp chiếu các đoạn phim liên quan đến bài học cho học sinh làm quen dần với công nghệ hiện đại
  5. Lên kế hoạch học tập cụ thể, giao bài tập cho học sinh, sinh viên để có thể gặp nhau trao đổi trực tiếp hoặc qua diễn đàn học tập
  6. Kiểm tra, đánh giá học sinh có thể dùng hình thức trắc nghiệm tại lớp trên giấy hoặc làm ngay trên máy tính
  7. Tăng cường học nhóm, thảo luận nhóm, làm việc theo nhóm và thực hiện các dự án học tập theo nhóm
  8. Kiểm tra, đánh giá học sinh theo nhóm học tập
  9. Trong lớp học truyền thống, cần tập cho học sinh, sinh viên dần quen với việc tìm tài liệu trên mạng, chia sẻ tài liệu bằng cách cho đề tài, giới thiệu địa chỉ những trang web liên quan, những tài liệu tham khảo
  10. Trong các lớp học truyền thống, giáo viên cần đưa công nghệ thông tin vào trong giảng dạy qua các giáo án điện tử, các bản tin, bài viết trên mạng và cả trò chơi điện tử cho môn học  (nếu có)
  11. Một lớp học truyền thống làm cho mọi người gần gũi, chia sẻ tình cảm tốt hơn, thân thiện hơn. E-learning (100%) có tính ảo, con người ít biểu lộ được tình cảm. Tính gắn bó, hoà đồng, thân thiện cũng tạo môi trường học tập tốt. Do đó, nếu kết hợp thì môi trường đó vẫn tồn tại và phát huy trong quá trình học tập. Có thể nêu điển hình như lớp sau đại học CH2 chúng ta, vẫn có những giờ lên lớp truyền thống rất bổ ích, thầy cô giáo gợi mở thêm nhiều vấn đề mà giáo trình điện tử không thể nói hết.

5. Kết luận:

Công nghệ E-Learning mở ra một khả năng tương tác tối đa giữa người học và người dạy đồng thời khai thác nguồn thông tin vô tận của nhân loại. E-LEARNING hiện nay thực sự là cuộc cách mạng bởi sức mạnh, khả năng  linh hoạt và tính hiệu quả của nó. Vận dụng công nghệ này, giúp cộng đồng kinh doanh có cơ hội tương tác liên tục với nền khoa học quản trị hiện đại đang phát triển nhanh chóng. E-LEARNING tạo ra cơ hội cho mọi người học tập mọi nơi, mọi lúc, học tập suốt đời.

Đối với sinh viên: E-LEARNING hỗ trợ học tập một cách linh động và tích cực. E-.Learning cho phép làm việc và học tập trực tuyến, nghiên cứu và làm các bài tập, thi trắc nghiệm. E-Learning là một môi trường mới, là cơ hội cho sinh viên, hỗ trợ các bạn học tập tại trường hoặc ở nhà, hay ở cơ quan. E-Learning là cách dễ nhất giúp sinh viên tự chủ trong học tập và thực hiện những cam kết học tập của bản thân với thời gian và nổ lực của họ. Tìm kiếm thông tin trên hệ thống về môn học của mình, download các nguồn tài nguyên được cung cấp, sinh viên có thể chia sẽ tài nguyên với nhau trên mạng, tham gia vào việc thảo luận của lớp, chia sẽ việc học của mình với bạn bè, trao đổi ý tưởng với bạn cùng lớp. Tạo môi trường học tập cộng tác giúp cải thiện các khuyết điểm mà các phương pháp truyền thống mang lại như: tạo cho người học khả năng tự tin hơn khi phát biểu ý kiến của mình (nhược điểm của PPDH theo nhóm nhỏ), ….Khuyết nhược điểm của E-LEARNING có thể thấy: không thể đưa vào các môn học đòi hỏi dạy kỹ năng (dù dùng video cũng có hạn chế), thích hợp với một số đối tượng tự giác và hăng say học tập, học viên cần có một số kỹ năng nhất định mới có thể tham gia đầy đủ…

Đối với giáo viên: E-LEARNING tạo môi trường giảng dạy mới cho giáo viên, cung cấp công cụ cho giáo viên soạn giảng, tổ chức lớp học, quản lý sinh viên, hướng dẫn sinh viên tham gia thảo luận nhóm, cung cấp tài liệu giảng dạy, cung cấp khả năng cập nhật nhanh các kiến thức và kỹ năng trong giảng dạy…. Nhưng vấn đề kiểm soát lớp học sẽ đặt nặng trên vai giáo viên, nhiều kỹ năng E-LEARNING cần tiếp tục được nghiên cứu đầy đủ hơn.

Đối với Việt Nam hiện nay và trong tương lai gần E-learning sẽ có nhiều cải thiện hơn về giao diện, chức năng. Khả năng cộng tác cao, đường truyền có thể cũng được cải thiện tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ cho quá trình dạy – học nhưng khó có thể thay thế hoàn toàn phương pháp giảng dạy truyền thống

Với mỗi cách học, phương pháp dạy học đều có những ưu – nhược điểm khác nhau. Với những ưu điểm của cách dạy học truyền thống và E-learning, chúng ta cần kết hợp tốt hai phương pháp này để có được một hiệu quả đào tạo tốt hơn

Hy vọng trong tương lai gần, trong xu thế hội nhập của nước ta với thế giới, tư tưởng của người học thay đổi, người học có tinh thần tích cực, tự lực, tự giác trong việc học, đời sống giáo viên được cải thiện, cơ sở vật chất dạy học e-learning được nâng cao đảm bảo đủ điều kiện để học sinh và sinh viên tham gia học tập thì dạy học e-learning có thể sẽ thay thế hoàn toàn một số môn học, học phần có tính cách trừu tượng như toán, văn, sử, công nghệ thông tin….

Nguồn tin: sưu tầm