Định hướng học sinh trong việc sử dụng ĐTDĐ

Cùng với những tiện ích đi kèm, điện thoại di động đang trở thành nỗi lo của nhiều thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
Cùng với sự phát triển chung của xã hội, nhiều năm trở lại đây, điện thoại di động đã không còn là vật dùng xa lạ trong môi trường giáo dục. Trong đó, đáng kể có một bộ phận không nhỏ các em học sinh xem điện thoại di động là vật bất ly thân.
 
Tuy nhiên, cùng với những tiện ích đi kèm, điện thoại di động đang trở thành nỗi lo trong nhiều bậc phụ huynh và nhà trường khi con em mình sử dụng vật dụng trên sai khác so với mục đích ban đầu.
 
Ở điều 41 Điều lệ phổ thông quy định rõ các hành vi học sinh không được làm. Trong đó, có nội dung học sinh không được làm việc khác, sử dụng điện thoại di động hoặc nghe nhạc trong giờ học.
 
Học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Ảnh Interner
 
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nghệ An, từ khi có quy chế trên, Sở cùng các trường học đã có nhiều biện pháp, kế hoạch để thực hiện triệt để. Tuy nhiên, cũng phải linh hoạt trong cách triển khai vì không thể phủ nhận những tiện ích mà điện thoại di động mang đến cho các em học sinh.
 
Vật dụng trên trở thành sự lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh nhằm liên lạc hay để quản lý con mình. Bên cạnh đó, điện thoại cũng phát huy tác dụng khi các em sử dụng nhằm liên lạc, trao đổi, thông tin bài vở cho nhau ngoài giờ lên lớp, hoặc khi có nội dung đột xuất.
 
Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích đó, điện thoại di động đang trở thành nỗi lo của nhiều thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Nhiều bậc phụ huynh khi vô tình kiểm tra điện thoại của con em mình đã không khỏi ngạc nhiên về những ngôn từ mà các em sử dụng để trao đổi với nhau. Những từ viết tắt, nhiều chữ đậm chất bạo lực, rồi cả những lời yêu thương mà đáng ra, ở cái tuổi của các em sẽ chẳng bao giờ biết đến…
 
Không chỉ dừng lại ở mục đích liên lạc, hiện nay chiếc điện thoại di động còn gắn liền với nhiều chức năng khác như: lướt net, game, xem ti vi. Cũng từ đó, cuộc chạy đua về tính sành điệu, thời trang và hiện đại để thể hiện đẳng cấp giữa các em bắt đầu.
 
Để “phân tầng đẳng cấp”, nhiều em sẵn sàng vòi vĩnh bố mẹ để sắm sửa và trang bị cho mình chiếc điện thoại đắt tiền mà không cần quan tâm đến mục đích sử dụng và điều kiện kinh tế gia đình. Đó là chưa kể đến, thời gian gần đây, nhiều vụ việc về bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng.
 
Trong đó, điện thoại di động trở thành chiếc cầu nối để các em rủ rê và lôi kéo nhau. Chỉ cần một tin nhắn chọc ghẹo, một lời thách thức qua tin nhắn, hay lời lôi kéo để “hành xử” một ai đó, các em sẵn sàng trốn học và tham gia vô điều kiện. Và cũng từ chiếc điện thoại nhỏ bé, khá nhiều những “clip đen” lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng internet.
 
Thực tế cho thấy, trong điều lệ nêu trên, chỉ nghiêm cấm các em sử dụng điện thoại trong giờ học. Ngoài giờ học, ở nhà, các em được tự do sử dụng và không thuộc quản lý của nhà trường. Hơn nữa, điện thoại di động là vật dụng mà phụ huynh sắm sửa cho các em để quản lý nên để thực hiện quy định trên và để chiếc điện thoại được trở về với đúng mục đích ban đầu, việc phối hợp giữa nhà trường và hội phụ huynh có vai trò rất quan trọng.
 
Nhiều năm trở lại đây, trường THPT Diễn Châu 3 là một trong nhiều đơn vị thực hiện tốt và linh hoạt quy định trên. Ngay từ đầu năm, nhà trường đã thông báo rộng rãi đến đông đảo Hội phụ huynh và học sinh. Theo đó, em nào sử dụng sai mục đích và ngay trong giờ học, sẽ bị thu điện thoại và đến cuối năm mới trả lại cho các em và gia đình.
 
Hiện nay, Sở cũng đã ban hành một số văn bản để hướng dẫn các trường và học sinh trong việc chấp hành nghiêm túc điều lệ tại trường học. “Tuy nhiên, giáo dục, tuyên truyền để các em sử dụng đúng mục đích vẫn quan trọng và hiệu quả hơn là việc nghiêm cấm.
 
Có như vậy, mới kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại và nâng cao cho các em nhận thức về những hành động của mình mỗi khi sử dụng những chức năng của điện thoại”, ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết thêm.

Nguồn tin: sưu tầm