Văn Hóa Giao Tiếp Của Người Việt Nam (phần 2) - Nghệ thuật giao tiếp ở cơ quan

Nghệ thuật giao tiếp ở cơ quan

Bạn sống ở cơ quan thì chắc chắn phải trò chuyện với đồng nghiệp. Nhưng mấu chốt là bạn có biết nói năng hay không? Cùng một mục đích, nhưng lại có nhiều cách thể hiện khác nhau và cũng gây ra các hậu quả khác nhau
1. Không nên gió chiều nào che chiều ấy mà cần phải học cách nói lời của chính mình: Sếp luôn trọng dụng và quý những nhân viên có đầu óc, có suy nghĩ riêng. Nếu như bạn là người mà người khác nói gì thì mình nói ấy thì bạn dễ bị mọi người quên mất sự tồn tại của bạn và địa vị của bạn ở trong cơ quan cũng chẳng cao cả gì. Có đầu óc thì dù chức vụ của bạn ở trong cơ quan như thế nào thì bạn cũng cần phải biết nói lên tiếng nói của mình, nên dũng cảm nói lên cách suy nghĩ của riêng mình.

2. Có gì thì bình tĩnh nói, tránh biến cuộc nói chuyện thành cuộc thi hùng biện: Bạn cần sống hòa bình, gần gũi với mọi người trong cơ quan, nói năng phải nhẹ nhàng, nhất là phải có trên dưới rõ ràng, không được nói theo kiểu ra lệnh. Tuy là đôi khi ý kiến của mọi người khác nhau, bạn có ý kiến thì vẫn có thể bảo lưu được, nếu không vi phạm nguyên tắc thì không nhất thiết phải bảo vệ sống còn. Nếu như bạn chỉ thích nói và bắt mọi người nghe thì e rằng đồng nghiệp sẽ dần rời xa bạn.

3. Nói năng cũng phải biết giữ chừng mực, điều quan trọng là phải nói đâu ra đấy: Thái độ nói năng bất chấp tất cả; ngôn ngữ cơ thể lịch sự; ăn nói hài hước... đó đều thuộc phạm trù nghệ thuật nói. Tất nhiên, điều quan trọng là bạn phải có lòng tự tin, biết được nghệ thuật nói năng. Như vậy bạn sẽ càng tự tin hơn, ăn nói hấp dẫn hơn. 
4. Đừng có khoe khoang mình ở cơ quan: Nếu bạn là người rất giỏi chuyên môn, nếu bạn được sếp trọng dụng thì những điều này có trở thành vốn khoe khoang của bạn hay không? Dù bạn có giỏi giang đến đâu thì bạn cũng cần phải hết sức cẩn thận khi ở cơ quan. 
5. Cơ quan là nơi làm việc chứ không phải là chốn để tâm sự: Có rất nhiều người thích tâm sự ở cơ quan. Dù làm như vậy khiến nhiều người xích lại gần nhau hơn, thân thiện hơn, nhưng kết quả điều tra của các nhà tâm lý cho biết: chỉ có 1% người biết giữ bí mật mà thôi. 
(Theo Gia Đình)
Giao tiếp điện thoại trong cuộc sống - Những vấn đề cần bàn
Văn hoá giao tiếp điện thoại còn là một khái niệm rất mới ở Việt Nam, trong lúc đó ở các nước phát triển, giao tiếp điện thoại đã trở thành kỹ năng, chuẩn mực văn hoá. 
Thực trạng 
ở Việt Nam, ra đường là nhìn thấy người đi đường vừa đi xe máy vừa dùng điện thoại di động. Vào quán ăn sẽ thấy người ăn vừa nhồm nhoàm nhai vừa nói chuyện điện thoại di động. Vào hội thảo, hội nghị sẽ thấy đại biểu mặc nhiên dùng điện thoại di động khi đang có người phát biểu, thuyết trình .. còn kiểu chuông điện thoại di động thì khỏi phải bàn: to, rõ, ấn tượng và mỗi người một kiểu. Đến nhiều công sở sẽ bất ngờ gặp “nam thanh nữ tú” ngồi lên bàn, gác chân lên bàn “buôn dưa lê” qua điện thoại. Còn phong cách giao tiếp qua điện thoại của người Việt Nam theo khảo sát của Công ty Tư vấn và Đào tạo ATYS số 898/7A đường Láng, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội thì đến gần 90% quên “màn” chào, hỏi, xin lỗi, cám ơn ... mà thường là “ai đấy” “có việc gì” “gặp ai... - thậm chí nhiều người, đặc biệt là giới trẻ khi gọi, nhận điện thoại nhầm còn ung dung chửi nhau, nhắn tin trêu đùa nhau dai dẳng.
Hậu quả
Trung bình mỗi ngày các chiến sĩ Cảnh sát 113 Hà Nội nhận được 2 tin báo giả qua điện thoại của nhân dân. Một số giao dịch viên 1080 của ngành Bưu điện có những ưu tư, phiền muộn về “thái độ thiếu văn hoá” của nhiều khách hàng khi điện thoại đến tư vấn. Nhiều doanh nghiệp mất hình ảnh với khách hàng dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh do các nhân viên văn phòng, lễ tân, phục vụ khách hàng... “không có duyên” khi giao dịch qua điện thoại. Đó là chưa kể đến nhiều mối quan hệ xã giao, mối quan hệ tình cảm gia đình, đồng nghiệp, bè bạn... mất đi, xấu đi chỉ vì không biết cách “hỏi thăm qua điện thoại” - thậm chí vì hiềm khích nhau qua lời ăn tiếng nói trên điện thoại đã có án mạng xảy ra. 
Nguyên nhân
Có thể nói, văn hoá giao tiếp điện thoại ở Việt Nam không được coi trọng, không được giáo dục, tuyên truyền phổ biến trong dân chúng. Kế đến là tính thiếu tự giác, thiếu rèn luyện và học hỏi, thiếu nhận thức về kỹ năng giao tiếp của nhiều người. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan đoàn thể mới chỉ quan tâm đào tạo, tuyển dụng đến năng lực, trình độ mà chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề văn hoá và khả năng giao tiếp của con người. 
Giải pháp
Theo tạp chí New York Times, có trên 80% các công ty, doanh nghiệp thương mại ở Mỹ đều khuyến khích nhân viên tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp điện thoại. Một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực xây dựng văn hoá giao tiếp điện thoại ở Việt Nam - TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại Châu Âu, diễn giả quen thuộc của nhiều cuộc hội thảo về nghệ thuật giao tiếp trong môi trường kinh doanh đa văn hoá, kỹ năng giao tiếp điện thoại, kỹ năng thuyết trình cho rằng: Đã đến lúc mọi công dân Việt Nam phải có ý thức rèn luyện kỹ năng giao tiếp điện thoại; các cơ quan chức năng tích cực động viên, tuyên truyền, giáo dục dân chúng coi trọng vấn đề văn hoá giao tiếp qua điện thoại. Còn các doanh nghiệp phải xây dựng văn hoá giao tiếp điện thoại trong doanh nghiệp - trong đó trang bị các kỹ năng đàm phán, thuyết phục, xử lý tình huống trong giao tiếp điện thoại với khách hàng để những khách hàng khó tính nhất cũng phải hài lòng, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh và nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp.